Thị trường văn phòng “đổi ngôi” hậu Covid -19 với Hybrid Working

Nếu không gian làm việc chung Co-working đang tăng trưởng chậm, thì mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) lại đang đón nhận sự quan tâm từ các chủ doanh nghiệp sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài.

Thị trường văn phòng đang có sự “đổi ngôi” hậu Covid-19.

Các không gian làm việc chung (co-working) có nguồn cung tăng trưởng chậm trong năm 2021 ở mức 3% với tổng diện tích 83.500m2 , trong khi đó mức tăng trưởng ở năm 2020 là 6% theo năm. Có 3 dự án co-working mới cung cấp cho thị trường tổng diện tích cho thuê 4.300m2 với quy mô nhỏ, nhưng bên cạnh đó cũng có 4 dự án đóng cửa với tổng diện tích 2.100m2 . Với lượng cung mới ít ỏi, công suất trung bình toàn thị trường co- working tăng 7 điểm phần trăm theo năm, giá trung bình được giữ ổn định theo năm ở mức 5,9 triệu đồng/vị trí/tháng. Co-working trong các tòa văn phòng Hạng B có công suất trung bình cao nhất thị trường ở mức 84%, kế đến là ở các tòa hạng A với 82%. Với các dự báo kinh tế tích cực cho năm 2022, nhu cầu mở địa điểm co-working có triển vọng tăng trưởng.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mai, Savills VIệt Nam nhận định “Thị trường văn phòng phục hồi sau giãn cách với nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế. Văn phòng kết hợp trở nên ngày càng phổ biến như một giải pháp khả thi và tối ưu chi phí. Ngành công nghệ thông tin là nhóm khách thuê năng động nhất, đang tìm kiếm diện tích thuê tại cả ba hạng văn phòng. Mặc dù nguồn cung khan hiếm, giá thuê gần như không tăng do tỷ lệ hấp thụ tại các văn phòng cỡ nhỏ đang chậm lại”

Trong khi đó, xu hướng Hybrid working được quan tâm. Theo Savills, Co-working đang tăng trưởng chậm, trong khi đó mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) lại đang đón nhận sự quan tâm từ các chủ doanh nghiệp sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài.

Bà An cho hay, có thể thấy, với tình hình nguồn cung hạn chế tại các khu vực trung tâm, áp dụng mô hình văn phòng kết hợp là một phương pháp có tính khả thi nhằm tối ưu chi phí hoạt động mà vẫn đáp ứng được nhu cầu mở rộng, các tiện ích văn phòng, mức độ hài lòng của nhân viên khi làm việc và hiệu suất của doanh nghiệp. Với tính chất linh hoạt nhưng vẫn lấy bản chất của công ty làm trọng tâm của sự chuyển đổi, mô hình làm việc kết hợp không chỉ mang lại lợi ích cấp thiết cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng nhưng vướng phải rào cản nguồn cung hạn hẹp mà còn mở ra những giá trị bền vững lâu dài để các doanh nghiệp thích ứng với những biến đổi của xã hội.

Hybrid Working là mô hình làm việc đang được ưa chuộng trên thế giới trong giai đoạn bình thường mới, theo kết quả khảo sát Work Trend Index của Microsoft.

Kết quả khảo sát năm 2021 của Microsoft có quy mô trên 30.000 người tại 31 quốc gia .

Với mô hình Hybrid Working, nhân viên có thể chủ động lựa chọn làm việc tại bất cứ nơi đâu và chỉ lên văn phòng khi cần thiết. Cách vận hành này khiến nhân viên có thể lựa chọn khung giờ làm việc đạt hiệu suất tốt nhất với mình, đồng thời có thể giảm áp lực tinh thần bởi dư chấn Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Hiện những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Google, Facebook… cũng đã triển khai để nhân viên có thể linh hoạt làm việc tại nhà hoặc văn phòng chứ bỏ qua co-working.

Không chỉ mang lại sự tiện lợi cho nhân viên, Hybrid Working cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bởi có thể giúp giảm tới 30% chi phí vận hành, theo Công ty Tư vấn Quản lý Toàn cầu McKinsey & Company. Với khoản chi phí tiết kiệm đó, công ty có thể sử dụng để tái đầu tư hoặc xây dựng văn phòng vệ tinh giúp nhân viên có nhiều lựa chọn nơi làm việc hơn. Ngoài ra, khi không bị giới hạn bởi việc phải có mặt tại văn phòng, công ty có thể mở rộng nguồn lực, tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, gia tăng tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường quốc tế.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhận định, dù người lao động được tiêm chủng vaccine để quay lại nơi làm việc, không thể chủ quan và loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn. Thực tế trên thế giới, Hybrid Working đã và đang được triển khai, đồng thời mang lại những kết quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, mô hình này chưa phổ biến trước đây, nhưng sau giai đoạn làm việc tại nhà do giãn cách xã hội kéo dài, mô hình làm việc này sẽ là xu hướng được ưa chuộng. “Bởi theo báo cáo mới nhất của Microsoft về xu hướng “Làm việc kết hợp – Hybrid Workplace” tại Việt Nam, có đến 81% người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa, đặc biệt là nhóm lao động trẻ Gen Z”, bà Tiêu Yến Trinh cho biết.

Doanh nghiệp áp dụng Hybrid Working cần lưu ý những gì ?

Bốn gợi ý dưới đây từ bà Tiêu Yến Trinh có thể giúp doanh nghiệp sẵn sàng đưa Hybrid Working chứ không phải co-working vào vận hành.

Xem xét ngành nghề. Báo cáo World Trend Index của Microsoft đã chỉ ra rằng không phải ngành nghề nào cũng có thể áp dụng Hybrid Working. Mô hình này phù hợp cho một số ngành như công nghệ, truyền thông/quảng cáo, thiết kế, du lịch, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng… Đối với với các ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt việc bảo mật thông tin, quy trình như ngân hàng, chứng khoán, mô hình này sẽ khó phù hợp.

Chuẩn bị kỹ cho các công đoạn chuyển giao. Đầu tiên, trong việc tái cấu trúc mô hình làm việc nội bộ, các cấp quản lý cần xác định bộ phận, phòng ban nào có thể luân chuyển làm việc ở nhà và văn phòng. Thông thường sẽ là khối văn phòng, công việc không lệ thuộc vào máy móc công nghệ cao hay sổ sách chứng từ tuyệt mật của công ty. Đối với đội ngũ nhân lực không có đủ thiết bị, máy móc phục vụ công việc tại nhà, bộ phận nhân sự cần thu thập thông tin để kịp thời phối hợp với bộ phận IT hỗ trợ xử lý. Lưu ý, nhà quản lý cần thấu hiểu đặc thù của từng nhóm đối tượng nhân viên để có cách triển khai phù hợp. Đơn cử, trong khi nhân viên gen Z có thể tiếp cận công nghệ và thích ứng nhanh với mô hình làm việc mới, nhưng nhân viên thế hệ gen X, gen Y lại cần thời gian để sắp xếp và làm quen.

Nâng cấp hệ thống quản lý. Để đội ngũ lao động yên tâm làm việc theo mô hình Hybrid Working, các nhà lãnh đạo cần chuẩn bị một hệ thống làm việc, quản lý từ xa với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Làm việc trên cùng một hệ thống giúp nhân viên đối soát và lưu trữ dữ liệu về một mối để bảo mật thông tin dù ở bất cứ đâu.

Xây dựng thang đánh giá hiệu suất cấp tiến. Hình thức làm việc mới sẽ đòi hỏi cách đánh giá hiệu suất, chất lượng công việc nhân viên cũng phải được cập nhật. Sẽ không còn dùng thời gian hiện diện ở công ty hay chấm công đi sớm về trễ để định đoạt kết quả xếp hạng nhân viên vào cuối năm. Thay vào đó, các nhà quản lý cần có quy trình mới để giao việc, theo dõi và đánh giá công việc, đảm bảo tính công bằng cho đội ngũ nhân viên làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 24/7

Liên hệ trực tiếp qua Whatsapp

Liên hệ trực tiếp qua Zalo